Đến vườn nho Hạ đen của anh Lục Vân Anh khi đang thời kỳ cho thu hoạch, thực sự ấn tượng bởi từng hàng, từng hàng nho thẳng tắp sai trĩu quả. Nắng Hè chói chang với bầu không khí oi ả nhưng không cản bước chân của nhiều vị khách có mặt ở đây, để tham quan, chụp ảnh và tự cắt những trùm nho chín mọng mang về làm quà.
Lúc này, anh Lục Vân Anh đang nhiệt tình hướng dẫn khách cách cắt nho, cũng như giới thiệu về vườn nho của gia đình. Anh chia sẻ: “Đi nhiều nơi, được thấy các tỉnh khác phát triển mạnh cây nho, mình đã quyết tâm xây dựng mô hình nho trên quê hương để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp an toàn”.
Là cán bộ khuyến nông đang công tác tại Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện; được đi nhiều nơi, tìm hiểu qua mạng xã hội giống nho Hạ đen được trồng thành công ở Bắc Giang, năm 2022 anh Anh đã mạnh dạn mua 3.500 cây nho giống của Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ nông lâm Bắc Giang về trồng trên diện tích 0,7 ha đất nhà kính. Theo anh Anh, Nho Hạ đen là giống nho “khó tính”. Để bảo đảm cây sinh trưởng hiệu quả, cần phải có kỹ thuật cắt tỉa, quy trình bón phân, chăm sóc đầy đủ. Ngoài ra, nho còn rất “dị ứng” với mưa, ngập trũng, nên phải đào các rãnh đất cao, thiết kế bạt phủ, hệ thống mái che để cây có điều kiện phát triển tốt nhất.
Để vườn nho Hạ đen sinh trưởng và phát triển tốt, đúng kỹ thuật, tránh tác hại của sâu bệnh, anh Anh đầu tư lắp đặt mái che nylon để ngăn nước mưa, sương giá và tưới nước tự động bảo đảm độ ẩm thích hợp.
“Việc chăm sóc nho Hạ đen thời kỳ đầu rất vất vả, thường xuyên phải cắt tỉa, quan sát tỉ mỉ và đúng kỹ thuật mới có thể cho ra nhiều hoa và đậu quả, đến khi ra quả non phải tiến hành tỉa bớt để đến khi thu hoạch chùm nho bảo đảm được to tròn, đều. Mái che và hệ thống tưới nước tự động là một trong những điều kiện quan trọng nhất để vườn nho của gia đình phát triển tốt. Tới khi sắp thu hoạch phải đặc biệt quan tâm đến độ ẩm của đất để đảm bảo độ ngọt cho quả”, anh Lục Vân Anh chia sẻ thêm.
Với sự chịu khó tìm tòi, học hỏi của bản thân, năng động sáng tạo, thời điểm này 3.500 gốc nho Hạ đen của anh Lục Vân Anh đang thời kỳ thu hoạch rộ, trung bình một cây ra 5 – 7 chùm quả, mỗi chùm nặng 0,5 – 0,8 kg. Quả nho to mọng, cùi dày, ăn giòn và ngọt, qua ước tính vụ nay cho sản lượng khoảng 2 tấn, với giá dao động từ 120 – 130 nghìn đồng/kg, tổng thu khoảng 270 triệu đồng, trừ chi phí anh Anh lãi khoảng 150 triệu đồng.
Ngoài xuất bán cho các siêu thị ở Thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, để mọi người biết đến sản phẩm của mình, anh Anh cũng đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu sản phẩm qua trang cá nhân Faceboook, Zalo và thông qua anh em, bạn bè, họ hàng… Nhờ đó, mà đã có nhiều người đến trải nghiệm, Check-in tại vườn….
Anh Vũ Đức Cường, tổ dân phố 9, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên cho biết: “Vào thăm mô hình nho Hạ đen của anh Lục Vân Anh tôi thấy rất ấn tượng khi lần đầu tiên ở quê hương có được mô hình mà trước đây chỉ thấy ở miền Nam hoặc các tỉnh khác; chất lượng khi ăn vào cũng có hương vị rất ngon, mọi người đều khen ngợi”.
Theo chia sẻ của anh Lục Vân Anh, để vườn nho Hạ đen phát triển bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định, thời gian tới, anh sẽ đầu tư vườn nho theo hình thức du lịch trải nghiệm trong ngày. Hình thức này vừa giới thiệu, quảng bá sản phẩm, vừa tạo điều kiện cho du khách ở các tỉnh lân cận có thể tham quan, check-in trong vườn nho của gia đình mình. Đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ mọi người dân có nhu cầu trồng cây nho này để cùng góp sức nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả sạch, an toàn và phát triển kinh tế gia đình.
Ông Trần Quang Vinh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Lục Yên chia sẻ: “Mô hình trồng nho Hạ đen của anh Lục Vân Anh là mô hình tiên phong trên địa bàn huyện Lục Yên trong sản xuất quả sạch, an toàn. Hiện, chúng tôi đang khuyến khích các hộ dân có điều kiện đến tham quan, học hỏi và triển khai trồng cây nho này để có thể nhân rộng trong thời gian tới, góp phần chuyển đổi một phần cơ cấu kinh tế địa phương”.
Có thể nói, hiệu quả từ mô hình trồng nho Hạ đen của anh Lục Vân Anh đã góp phần tích cực, động viên, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây được coi một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu sản xuất an toàn ở huyện Lục Yên.