Thành công bước đầu trồng nho Hạ đen

Là người đầu tiên đưa giống cây nho Hạ đen không hạt về trồng tại đồng đất của địa phương, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đôn và chị Đinh Thị Hồng Doan ở xã Đồng Than (Yên Mỹ) đã gặt hái được thành công bước đầu trên con đường làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Với 700 cây nho Hạ đen không hạt được trồng trên diện tích hơn 2 mẫu ruộng chuyển đổi, mỗi năm cho thu hoạch hơn 4 tấn quả, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi gần 500 triệu đồng.

Mô hình trang trại trồng nho Hạ đen của gia đình chị Đinh Thị Hồng Doan, xã Đồng Than (Yên Mỹ)

 

Với khát vọng làm giàu, anh Đôn dành toàn bộ tâm huyết, thời gian cho mô hình kinh tế nông nghiệp của gia đình. Đầu năm 2019, trong một lần sang Singapore, được tham quan mô hình trồng nho với kỹ thuật hiện đại cho năng suất cao, anh bị thu hút và đã mạnh dạn mua 150 cây giống với giá 100 nghìn đồng/1 cây, mang về trồng thử nghiệm trên diện tích đất của gia đình. Nhận thấy, nho Hạ đen không hạt là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, cho hiệu quả kinh tế kéo dài từ 7 đến 10 năm, một năm cây ra quả 2 vụ vào tháng 6 và tháng 11. Anh đã nhờ bạn bè mua thêm hơn 500 cây giống để nhân rộng mô hình. Trung bình một cây ra 5-7 chùm quả, mỗi chùm nặng 0,5-0,8kg, quả to mọng, cùi dày, ăn giòn và ngọt với giá bán khoảng 150 nghìn đồng/kg, mỗi năm vườn nho cho thu hoạch hơn 4 tấn quả, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi gần 500 triệu đồng. Do là loại cây trồng mới, chất lượng quả ngon nên sản lượng nho của gia đình anh chị không đủ để cung cấp, chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và một số tiểu thương.

Từ mảnh đất ruộng bỏ hoang, chiêm trũng, giờ đây là vườn nho xanh mướt, cây nào cũng sai quả. Anh Đôn chia sẻ: Ở địa phương có rất nhiều hộ trồng các loại cây ăn quả như: cam, bưởi, ổi… nhưng tôi muốn tìm một loại cây trồng mới, địa phương chưa có, mang lại giá trị kinh tế cao. Bén duyên với nghề trồng nho, tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu từng đặc tính của cây, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình trồng và chăm sóc. Quan trọng nhất trong quá trình trồng nho là giàn nho phải có mái che bằng nilon để hạn chế mưa, sương, ngăn ngừa sâu bọ. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động, cung cấp dinh dưỡng đến từng gốc cây bảo đảm cho nho có môi trường sinh trưởng và phát triển tốt, theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Để chùm nho đều quả, phát triển cân đối, phải thường xuyên tỉa quả khi quả còn xanh. Đây là công đoạn quyết định chất lượng, hình dáng chùm nho sau này. Bên cạnh đó, tiến hành bọc lưới khi quả bắt đầu chuyển màu từ xanh sang đỏ để quả có mã đẹp, phòng trừ được sâu và chim, chuột gây hại.

Từ ngày gắn bó với cây nho, ngày nào vợ chồng anh cũng túc trực ở vườn nho vun gốc, cắt tỉa, nhặt cỏ, bón phân, bắt sâu… vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm. Khi bắt tay vào trồng cây nho Hạ đen, nhiều ngày vợ chồng anh băn khoăn, lo lắng về kỹ thuật trồng, chăm sóc giống cây mới, thị trường xuất bán. Vợ chồng anh đã mất nhiều ngày nghiên cứu, tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nho, tham quan một số mô hình trồng nho ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, từ đó áp dụng vào mô hình của gia đình. Anh áp dụng quy trình sản xuất theo phương pháp hữu cơ an toàn nên chất lượng quả bảo đảm, an toàn cho người dùng.

Để nhiều người biết đến vườn nho của mình, anh chị đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua người thân, bạn bè và trên các trang mạng xã hội… Nho Hạ đen từ trang trại của anh Đôn được nhiều người dân và thương lái tin tưởng, đến tận vườn tham quan, mua về thưởng thức.

Trong thời gian tới, anh chị sẽ tiếp tục nhập thêm cây giống để mở rộng diện tích trồng nho. Có thể nói, hiệu quả kinh tế mà gia đình anh Nguyễn Văn Đôn mang lại đã góp phần tích cực, động viên, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây được coi một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp giúp hội viên nông dân tham khảo, tìm hiểu để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Hồng Ngọc – Đào Hương

Bài viết liên quan