Hiện nay, không cần đến Ninh Thuận xa xôi, ngay ở TP. Thái Nguyên cũng có tới 8 nhà vườn để người dân, nhất là các bạn trẻ tới trải nghiệm thu hoạch nho Hạ Đen và thoả sức check-in trong nông trại vui vẻ.
Lạc vào “xứ sở thần tiên”
Một ngày cuối tuần giữa tháng 6 nắng như đổ lửa, chị bạn tôi gọi: “Nay rảnh không? Cho trẻ con đi hái nho nhé, lát nữa chị qua đón”. Sau cuộc điện thoại, chúng tôi nhanh chóng di chuyển tới vườn nho Bằng Ngát của gia đình anh Dương Văn Bằng, xóm Cậy, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên).
Qua cầu Huống Thượng, thấy chúng tôi đang ngơ ngác tìm đường, một thanh niên bán hàng gần đó ngó ra hỏi: – Có phải các chị đến vườn nho Bằng Ngát không? Sau đó anh chỉ đường rất nhiệt tình. Dường như anh đã khá quen thuộc với điều này này.
Giữa những ngày hè gay gắt nắng, bước chân vào vườn nho, không khí dịu hẳn. Liếc nhìn những gốc nho trải dài lá xanh thẫm đan vào nhau như tạo ô che mát, tôi ngỡ mình ở xứ sở thần tiên.
Từng chùm quả căng mọng mời gọi, tôi đưa tay bứt mấy quả, đưa lên đầu lưỡi, cảm nhận vị ngọt thanh và thơm nhẹ. Có lẽ nhiều người giống như tôi sẽ thấy rất thích thú, cả một chút ngạc nhiên, xen lẫn thú vị khi thưởng thức. Độc đáo của giống nho này không chỉ là hương vị mà còn vì không có hạt. Ngay trong vườn cây, tự tay mình hái ăn, cảm giác rất khó miêu tả, nó hoàn toàn không giống lúc ta ăn trái nho mua ở chợ, hay trong siêu thị vốn được trưng bày, đóng gói sang trọng.
Đang thả trôi cảm xúc, tôi chợt ghe tiếng chị bạn gọi nhờ chụp ảnh. Tôi ngắm ba mẹ con chị trong khuôn hình, dù tạo dáng đứng giữa vườn hay nghiêng mình cầm kéo cắt nho, ánh mắt đều sáng ngời. Ngay luống bên cạnh, chúng tôi gặp một nhóm thiếu nữ, người áo dài, người váy áo thướt tha đang check-in. Gần đó, một gia đình 5, 6 bạn nhỏ cùng vui vẻ cắt nho. Tiếng cười nói giòn tan khiến không khí trong khu vườn ngập tràn hạnh phúc.
Tháng 6, 7 là thời điểm nho vào vụ chín, nắng càng giòn, màu sắc nho càng đẹp, vỏ càng mọng, ăn càng ngon, ngọt hơn. Đây cũng là lúc các vườn nho ở TP. Thái Nguyên đón nhiều bạn trẻ trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm thu hoạch, check- in, thoả thích hoà mình vào thiên nhiên.
Sau khi ngắm nhìn những bức ảnh ưng ý mình chụp bên vườn nho, chị Nguyễn Thị Thu, phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên, chia sẻ: Tham quan vườn nho, chụp ảnh, thu hoạch nho và mua về thưởng thức là những trải nghiệm thú vị mà tôi rất thích.
Chia sẻ của chị Thu khiến tôi nhớ đến lời chị Mai Thị Thương, ở Quận Thanh Xuân (Hà Nội), khi chúng tôi gặp ở vườn nho Chinh Hoà, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên): Đến Thái Nguyên, ngoài thăm vùng chè đặc sản Tân Cương, Di tích lịch sử quốc gia 60 TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, tôi còn được giới thiệu đến check-in ở vườn nho Hạ Đen. Hái và ăn nho tại vườn là một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ và hạnh phúc của tôi cùng nhóm bạn. Chắc chắn tôi sẽ quay trở lại Thái Nguyên với gia đình, bạn bè.
Hướng mở cho du lịch
Đánh giá của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên về hiệu quả của Dự án mô hình trồng nho Hạ Đen chất lượng cao tại hội nghị tổ chức cuối tháng 6-2023 vừa qua cho thấy: Dự án có tổng diện tích 1,5ha, ở các xã: Thịnh Đức, Tân Cương, Phúc Xuân, Cao Ngạn, Huống Thượng, Đồng Liên và phường Thịnh Đán. Tham gia Dự án, 8 hộ dân chỉ phải bỏ chi phí đầu tư ban đầu cho việc trồng nho từ 35-40 triệu đồng/360m2, được hỗ trợ 60% giá giống, 40% lượng vật tư. Triển khai từ năm 2021, đến nay, cây nho của các hộ dân tham gia đều đã cho 2-4 vụ quả, năng suất đạt trên 10 tấn/ha, với giá bán trung bình 100-130 nghìn đồng/kg.
Qua theo dõi, người dân đều nhận xét nho Hạ Đen dễ chăm sóc, hợp với đồng đất Thái Nguyên nên phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho quả ngon, ngọt. Đặc biệt, từ năm thứ 3 trở đi, năng suất nho ổn định từ 14-16 tấn/ha, tương đương nguồn thu hơn 1 tỷ đồng mỗi héc ta. Tôi nhẩm tính, trừ chi phí, người dân có thể bỏ túi hàng trăm triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa và các loại rau màu khác.
Bên cạnh tiêu thụ nho theo kênh thông thường, nắm bắt được xu hướng thịnh hành hiện nay là du lịch trải nghiệm và check-in nhà vườn được nhiều người, trong đó có giới trẻ ưa chuộng, các chủ vườn nho ở TP. Thái Nguyên đã tích cực quảng bá trên mạng xã hội, các kênh thông tin truyền thông. Qua đó hút lượng khách đến tham quan, trải nghiệm vườn nho tăng cao qua từng vụ.
Anh Dương Văn Bằng, xóm Cậy, xã Huống Thượng, chủ vườn nho Bằng Ngát, chia sẻ: Năm 2021, gia đình tôi đầu tư trồng 400m2 nho với 150 gốc, cho thu nhập khá ổn định. Năm 2022 trở lại đây, tôi mở rộng diện tích lên gần 800m2, trên 300 gốc nho phát triển tốt, đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài bán quả chín, có hai thời điểm vườn nho chúng tôi đón nhiều khách đến tham quan, check – in đó là khi nho xanh và lúc nho được thu hoạch.
Chị Chu Thị Đỗ, cán bộ Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Thái Nguyên, nói: Nắm bắt được thị hiếu của du khách đến Thái Nguyên thích du lịch trải nghiệm, vừa rồi, chúng tôi có kết nối với chủ vườn nho Chinh Hoà, xã Thịnh Đức, để các du khách sau khi đến Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải được check-in tại vườn nho. Chúng tôi cũng làm video chia sẻ thông tin nhà vườn, trải nghiệm và cảm nhận của du khách để đăng tải. Các video được đưa lên các mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhất là giới trẻ.
Rõ ràng, qua thời gian, nho Hạ Đen đã khẳng định sự phù hợp với vùng đất Thái Nguyên và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, các hộ dân đều rất mong muốn được hỗ trợ khâu bảo quản, tiêu thụ sản phẩm song song với kết nối phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.